Steve Jobs được xem là “phù thủy công nghệ”, và ông cũng được biết đến như là bậc thầy của nghệ thuật thuyết trình. Trên sân khấu, ông thu hút toàn bộ sự chú ý của khán giả mà không cần những slide dày đặc chữ hay những biểu đồ phức tạp. Ông thành công nhờ cách kể chuyện sáng tạo và thú vị, tạo cảm hứng cho người nghe với từng con số, từ ngữ hay hình ảnh minh họa. Kỹ năng thuyết trình hoàn toàn có thể luyện tập. Nếu bạn nghiêm túc tuân theo nguyên tắc 3S dưới đây, bạn sẽ nằm trong nhóm 1% những người thuyết trình hiệu quả như Steve Jobs.
Story – Một câu chuyện thuyết phục
Bộ não của chúng ta có khuynh hướng ghi nhớ những câu chuyện có kịch tính, cao trào tốt hơn là những lời nói suông. Chính vì vậy, hãy xây dựng kịch bản cho bài thuyết trình của bạn như một câu chuyện, có mục tiêu, có cao trào, có đấu tranh và có kết quả.
Đầu tiên, câu chuyện bắt đầu bằng một tựa đề (headline). Tựa đề của bài thuyết trình của bạn nên ngắn gọn, dễ nhớ và chuyển tải ý chính của cả câu chuyện.
3S phương pháp để có một buổi thuyết trình ấn tượng |
Steve luôn định vị những sản phẩm của ông với một câu vừa vặn với một post của Twitter (140 ký tự), ví dụ, với MacBook Air, ông định vị nó là “the world’s thinnest notebook.” – notebook mỏng nhất thế giới. Và đây cũng là tựa đề cho bài thuyết trình giới thiệu MacBook Air của ông. Ngắn, đơn giản và ấn tượng!
Khi lên ý tưởng cho bài thuyết trình, bạn nên tập trung vào tối đa ba điểm chính. Những thông điệp này cần được sắp xếp theo trình tự logic và rõ ràng. Ngoài ra, trước khi trình bày, bạn nên cho người nghe biết mục tiêu của bài thuyết trình. Ví dụ: “Để giúp bạn hoàn thiện kỹ năng thuyết trình, hôm nay tôi sẽ giới thiệu 3 yếu tố làm nên một bài thuyết trình hiệu quả.” Như vậy, bạn sẽ giúp người nghe hình dung câu chuyện dễ dàng hơn. Với mỗi ý chính, bạn nên có ví dụ cụ thể để minh họa để câu chuyện của bạn sinh động hơn; và chắc chắn người nghe sẽ nhớ lâu hơn.
Theo “Presentation Zen” – một cuốn sách thú vị về thuyết trình, bạn không nên sử dụng hình vẽ clipart cũng như những mẫu PowerPoint có sẵn vì khán giả của bạn đã chán ngấy những hình ảnh cũng như họa tiết thịnh hành từ những năm 1990. Khi cần thiết, bạn nên xen kẽ hình ảnh và âm nhạc hay những đoạn phim ngắn để làm cho câu chuyện của bạn trở nên sinh động hơn.
Số lượng slides phụ thuộc vào độ dài của “câu chuyện”, nhưng mỗi ý chính chỉ nên sử dụng một slide. Nếu phần nào có nhiều dữ liệu cần trình bày, bạn có thể chia thành 2-3 slides.
- Nhìn khán giả, nhưng đừng “thiếu công bằng” khi chỉ nhìn chằm chằm vào một người nào đó.
- Phong thái tự tin, không bỏ tay vào túi quần hay vòng trước ngực hay mân mê đồ vật nào đó như bút, giấy hay tà áo. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh.
Kết thúc câu chuyện, bạn nên tóm tắt lại và nhắc lại mục tiêu đối với người nghe.
Slides – Những slide đơn giản
Chúng ta có khuynh hướng để càng nhiều chữ lên slide càng tốt. Tuy nhiên, bộ não chúng ta thường chỉ làm tốt được một việc trong một thời điểm; chẳng hạn, một người khó có thể vừa nghe vừa đọc cùng một lúc. Chính vì vậy, nếu bạn muốn người khác nghe mình, đừng bắt họ đọc chữ trên slide.
Khi Steve Jobs thuyết trình, những gì người ta thấy là một màn hình rộng, với hình ảnh nổi bật, một con số hoặc một biểu đồ đơn giản. Hãy nhớ, “một bức ảnh hơn ngàn lời nói”, hãy tận dụng sức mạnh của hình ảnh thay cho ngôn từ. Nhưng bạn nhớ dùng hình ảnh chất lượng cao.
Và tập trung cho chữ S thứ 3 – speaker.
Speaker – Người thuyết trình thu hút
Là trung tâm của buổi thuyết trình, bạn phải chuẩn bị thật kỹ.
Đầu tiên là trang phục. Trang phục phải phù hợp với đối tượng khán giả, với chủ đề và không gian thuyết trình (năng động, trẻ trung hay chuyên nghiệp, trang trọng).
Trong khi thuyết trình, bạn cần phải để ý đến ngôn ngữ hình thể phù hợp.
- Tránh xa bục phát biểu. Bạn nghĩ gì khi thấy diễn giả dính chặt vào bục phát biểu và gần như đọc lại toàn bộ chữ hiện lên trên slide? Giờ thì bạn đã biết lý do.
Nói rõ, chậm với âm lượng vừa đủ và dừng khoảng 3 giây khi bạn chuyển ý. Khi nói chậm và rõ, bạn sẽ lựa chọn từ ngữ cẩn thận hơn, và nhờ vậy, bạn sẽ tự tin hơn. Khi ngừng đúng chỗ, bạn sẽ thu hút sự chú ý của người nghe.
Và, “gia vị” cuối cùng cho bài thuyết trình của bạn là “năng lượng, sự nhiệt huyết và hứng khởi” vì thuyết trình chính là một show diễn. Chính vì vậy, cho dù slides của bạn bắt mắt bao nhiêu, ý tưởng của bạn hay như thế nào và bạn sáng sân khấu đến nhường nào; thiếu nhiệt huyết, bạn chẳng thể nào thu hút sự chú ý và tập trung của khán giả cho đến phút cuối.
Steve Jobs biết cách biến những buổi thuyết trình của ông thành những show diễn thật sự. Trong buổi giới thiệu iPad đầu tiên vào tháng 1/2010, ông đã khơi gợi sự tò mò của khán giả bằng cách đưa ra một câu hỏi “Chúng ta đã có điện thoại, chúng ta đã có máy tính xách tay, vậy sản phẩm nào sẽ lấp khoảng trống giữa hai thiết bị này? Sản phẩm nào mà chúng ta có thể lướt web, check email, xem hình ảnh, nghe nhạc, chơi game và đọc sách điện tử?” Liệu đó có phải là Netbook không? Không, vấn đề là vì Netbook không tốt hơn bất cứ sản phẩm nào. Nó chậm, chất lượng hình ảnh thấp và sử dụng phần mềm của PC. Nó không tốt hơn, nó chỉ rẻ hơn. Chúng tôi không nghĩ đó là loại thiết bị thứ ba. Và chúng tôi đã tạo ra sản phẩm đó. Và hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn, ngay bây giờ, chúng tôi gọi đó là iPad.” Những tràng vỗ tay, những tiếng cười sảng khoái của khán giả đã chứng minh show diễn của Steve Jobs thật sự đem lại cho họ nhiều hứng thú, một cảm xúc mạnh mẽ và ấn tượng khó quên.
Nguồn : vietnamwork.com