Advertisement

Kỹ năng mềm là gì ?

22:18
Last Updated

Gần đây chúng ta nghe nói rất nhiều về thuật ngữ "kỹ năng" như là kỹ năng sống, KỸ NĂNG MỀM, kỹ năng chuyên môn, trung tâm huấn luyện kỹ năng… Các doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng đòi hỏi ứng viên phải hội đủ các kỹ năng cần thiết. Điều này khiến cho các bạn trẻ không khỏi bối rối và lúng túng khi nộp hồ sơ, tham dự phỏng vấn. Hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo và giới chuyên môn cũng chưa có một cái nhìn đầy đủ và thống nhất về kỹ năng. Còn nhiều người chưa hiểu rõ kỹ năng là gì? Bằng cách nào để tạo ra kỹ năng? và cần phải học kỹ năng ở đâu?. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn cùng nhau chia sẻ về chủ đề “kỹ năng” với mục đích cùng nhau hiểu đúng về kỹ năng, học đúng kỹ năng và để có thể sở hữu được kỹ năng nhằm ứng dụng nó trong công việc và cuộc sống.

Kỹ năng là gì? 

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về kỹ năng. Những định nghĩa này thường bắt nguồn từ góc nhìn chuyên môn và quan niệm cá nhân của người viết. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều thừa nhận rằng kỹ năng được hình thành khi chúng ta áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng học được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng.
Kỹ năng là gì ?
Kỹ năng là gì ?

Vậy, Kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.

Cần thiết phải phân biệt kỹ năng với một số thứ có vẻ giống kỹ năng. 

1) Sự khác nhau giữa kỹ năng và phản xạ: Phản xạ là phản ứng của cơ thể với môi trường. Phản xạ mang tính thụ động. Kỹ năng ngược lại là phản ứng có ý thức và hoàn toàn mang tính chủ động. Ví dụ: Cùng là đám cháy, nếu theo phản xạ thì con người có xu hướng bỏ chạy khỏi đám cháy, nhưng nếu là lính chữa cháy, đã được rèn luyện kỹ năng đấu tranh với lửa thì anh ta lại chạy lại đám cháy và dùng các kỹ năng để dập lửa. 
2) Sự khác nhau giữa kỹ năng và thói quen: Hầu hết các thói quen hình thành một cách vô thức và khó kiểm soát. Trong khi đó kỹ năng được hình thành một cách có ý thức do quá trình luyện tập. Tôi muốn lấy câu chuyện sau để minh họa về sự khác biệt đó. Trong một vụ cháy ở khu chung cư nọ, mọi người đã nhanh chân thoát khỏi tòa nhà, chỉ còn sót lại một phụ nữ với đứa bé mới sinh trên lầu 3 của tòa nhà. Đám đông bên dưới căng một chiếc chăn và yêu cầu người này ném đứa bé xuống. Sau một hồi do dự cuối cùng người này cũng ném con của mình xuống dưới đó. Vì đám đông quá hỗn loạn nên mọi người không di chuyển cái chăn đến đúng chỗ mong muốn… Nguy rồi, đưa bé có thể sẽ rơi vào bãi đất trống. Lúc này trong đám đông có một người cao to xuất hiện – đó là thủ thanh Ha-mi-đông. Anh nhún chân, bay lên cao, ôm gọn đứa bé vào lòng và nhẹ nhàng tiếp đất bằng vai. Đúng lúc đám đông nín lặng và chuẩn bị hò reo thì Ha-mi-đông đứng dậy tung đứa bé và đá đi như một trái bóng. Đáng lẽ trở thành người anh hùng thì anh ta lại chuốc cho mình một kết cục như một kẻ tội đồ. Ôm gọn trái bóng và tiếp đất nhẹ nhàng đó là kỹ năng bắt bóng thuần thục được luyện tập qua nhiều ngày tháng. Nhưng đá trái bóng ra xa thì lại là một thói quen của bất cứ người nắm giữ khung thành nào. 
3) Thói quen rất khác với kiến thức. Thậm chí có một số người còn nhầm lẫn kiến thức là kỹ năng cứng. Vậy đâu là khác biệt. Kiến thức là biết, là hiểu nhưng chưa bao giờ làm, thậm chí không bao giờ làm. Trong khi đó kỹ năng lại là hành động thuần thục trên nền tảng kiến thức. Vì không tác động vào thực tại khách quan nên kiến thức thường ít tạo ra những thành quả cụ thể cho cuộc đời. Bạn có thể thấy rất nhiều những giáo viên suốt đời dậy về lý thuyết kinh tế và không tham gia làm kinh doanh nên cho dù họ có hiểu rõ về nguyên lý của thị trường đến mấy nhưng bản thân họ cũng không làm ra nhiều tiền. Nhiều học giả cho rằng chỉ có kiến thức suông thì chưa mạnh sử dụng kiến thức mới là sức mạnh. Nói một cách khác kỹ năng chính là sức mạnh.

Phân loại kỹ năng ra sao? 

Có nhiều cách phân loại kỹ năng khác nhau. Ở đây xin nêu ra một số cách điển hình. Nếu xét theo tổng quan thì kỹ năng phân ra làm 3 loại: Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc.

Nếu xét theo liên đới chuyên môn: kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và kỹ năng hỗn hợp. 
Theo tính hữu ích cộng đồng: hữu ích và phản lợi ích xã hội. Cần nói thêm rằng kỹ năng mềm hay kỹ năng sống cũng chỉ là một nhóm kỹ năng với tên gọi khác nhau. Chúng ta cũng nhận thấy rằng kỹ năng mềm hay kỹ năng sống là những nhóm kỹ năng thiết yếu giúp cho chủ thể tồn tại và thăng hoa trong cuộc sống. Đã nhiều lần chúng tôi thử lý giải tại sao lại gọi kỹ năng sống là kỹ năng “mềm”. Trước hết cũng có thể đây là nhóm kỹ năng mang tính linh hoạt, cơ động và một số quốc gia không bắt buộc mọi người phải học những kỹ năng này. Cũng có thể đây là góc nhìn và thuật ngữ của những người quản trị sản xuất trước đây, họ cho rằng chỉ có cái gì liên quan đến máy móc thiết bị mới là “cứng” còn phần còn lại là “mềm”. Một giả thiết khác là cách gọi của dân công nghệ thông tin khi mà mọi chuyện thường được qui ra “phần cứng” và “phần mềm”. Cá nhân tôi thì cho rằng cách gọi như trên đã gây nhiều thất thiệt cho một nhóm kỹ năng quan trọng như “kỹ năng sống”.
Nếu gọi đó là kỹ năng “mềm” thì nhiều người sẽ cho rằng đó những thứ không cần thiết, có cũng được mà không cũng không sao. Với một khoảng thời gian dài thì quan niệm này sẽ tác động lên cả hệ thống giáo dục chứ không còn là chuyện nhỏ của mỗi cá nhân nữa. Một khi không coi trọng, không dành sự quan tâm đúng mức, không đầu tư thích đáng, không tìm tòi thực sự, không nghiên cứu và học hỏi đến nơi đến chốn thì không thể sở hữu “kỹ năng sống” một cách đầy đủ. Và hậu quả của nó là mỗi cá nhân dễ trở thành những con người lệch lạc, thiếu hoàn thiện và cuộc sống bị bấp bênh và chất lượng sống không cao. Nên chăng đã đến lúc thống nhất lại cách gọi cho “kỹ năng sống”. Trong bài tiếp chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về các KỸ NĂNG SỐNG và vị trí của nó .

Kỹ năng được hình thành ra sao? 

Bất cứ một kỹ năng nào được hình thành nhanh hay chậm, bền vững hay lỏng lẻo đều phụ thuộc vào khát khao, quyết tâm, năng lực tiếp nhận của chủ thể, cách luyện tập, tính phức tạp của chính kỹ năng đó. Dù hình thành nhanh hay chậm thì kỹ năng cũng đều trải qua những bước sau đây:

kỹ năng là gì, hình thành kỹ năng, phân loại, kỹ năng sống, kỹ năng mềm
Hình thành kỹ năng

- Hình thành mục đích. Lúc này thường thì chủ thể tự mình trả lời câu hỏi “Tại sao tôi phải sở hữu kỹ năng đó?”; “Sở hữu kỹ năng đó tôi có lợi gì?”…
- Lên kế hoạch để có kỹ năng đó. Thường cũng là tự làm. Cũng có những kế hoạch chi tiết và cũng có những kế hoạch đơn giản như là “ngày mai tôi bắt đầu luyện kỹ năng đó”.
- Cập nhật kiến thức / lý thuyết liên quan đến kỹ năng đó. Thông qua tài liệu, báo chí hoặc buổi thuyết trình nào đó. Phần lớn thì những kiến thức này chúng ta được học từ trường và từ thày của mình.
- Luyện tập kỹ năng. Bạn có thể luyện tập ngay trong công việc, luyện với thày hoặc tự mình luyện tập.
- Ứng dụng và hiệu chỉnh. Để sở hữu thực sự một kỹ năng chúng ta phải ứng dụng nó trong cuộc sống và công việc. Công việc và cuộc sống thì biến động không ngừng nên việc hiệu chỉnh là quá trình diễn ra thường xuyên nhằm hướng tới việc hoàn thiện kỹ năng của chúng ta. Một khi bạn hoàn thiện kỹ năng thì cũng có nghĩa là bạn đang hoàn thiện bản thân mình.

Nếu tôi là một người trẻ tôi sẽ làm gì? 

Sau khi đã hiểu được kỹ năng là gì và cần làm gì để có kỹ năng, tôi sẽ xây dựng cho mình những mục tiêu cụ thể trong đó phải có những nhóm kỹ năng mà tôi muốn sở hữu. Tôi sẽ tuân thủ các bước để cập nhật các kỹ năng mục tiêu quan trọng đó.

Khi hiểu đúng về kỹ năng, học đúng kỹ năng và sống với những kỹ năng thuần thục và chuyên nghiệp, cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Tôi mong ước có nhiều bạn trẻ được tiếp xúc với những thông tin này và có nhiều người gửi thư và gọi điện cho chúng tôi để tham vấn, trao đổi và tranh luận cùng chúng tôi. Chỉ khi đó chúng ta mới vui và hiểu ra rằng kỹ năng thật sự là vấn đề quan trọng của ngày hôm nay và vẫn còn là vấn đề nóng bỏng của tương lai phải không các bạn.

TrendingMore

Xem thêm