Thuộc tính của người thành đạt
Từ xa xưa nhà hiền triết cổ Hy Lạp Socrates (469 – 399B.C.) đã yêu cầu người học phải suy nghĩ, tự tìm kiếm thông tin cho mình, tìm tòi những ý tưởng mới và tranh luận trong môi trường học tập. Ông dạy bằng cách nêu câu hỏi theo các tiêu chí: sáng tỏ, độ tin cậy, sự đúng đắn, độ chính xác, hợp lý, không thiên vị. Phương pháp Socrates là cốt lõi để phát triển tư duy phê phán, để mỗi con người thật sự là chính bản thân mình.
Tư duy phê phán (critical thinking) là quá trình vận dụng tích cực trí tuệ vào việc phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc, xu hướng, ý tưởng, giả thuyết từ sự quan sát, kinh nghiệm, chứng cứ, thông tin, và lý lẽ nhằm mục đích xác định đúng - sai, tốt - xấu, hay - dở, hợp lý - không hợp lý, nên - không nên, và rút ra quyết định, cách ứng xử của mỗi cá nhân.
Tư duy phê phán là nền tảng để phát triển tư duy độc lập, yếu tố không thể thiếu của sự thành đạt, khi con người thường xuyên đối diện với những vấn đề đa dạng phải giải quyết trong cuộc sống. Tư duy phê phán là bước đi thiết yếu dẫn đến tư duy sáng tạo. Phê phán khách quan giúp ta có một cái nhìn tích cực tránh cái sai, xấu, lỗi thời và hướng đến cái mới tốt hơn, hoàn hảo hơn, có ích hơn trên con đường không ngừng sáng tạo.
Tư duy phê phán vận dụng cách nghĩ và lập luận logic với các kỹ năng như phân loại, so sánh, phân tích trình tự, nguyên nhân tác động, mô hình, theo phép diễn dịch, quy nạp, loại suy, tổng hợp, dự đoán, lập giả thuyết, đánh giá, ra quyết định, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Tư duy phê phán là thuộc tính của những người thành đạt và các nhà khoa học.
Thiếu một triết lý giáo dục
Đáng tiếc là quan điểm giáo dục, cũng có thể nói là triết lý giáo dục, nặng về truyền đạt, nhồi nhét kiến thức và có phần áp đặt, theo mẫu, thiếu phát huy suy nghĩ độc lập ở nước ta hiện nay, lại trái ngược với phương pháp giáo dục rất khoa học đã có từ hơn hai thiên niên kỷ trước của Socrates. Triết gia Pháp J.J. Rousseau rất xác đáng khi cho rằng: “Nếu chỉ nhào nặn con người theo duy nhất một trạng thái thì anh ta sẽ trở nên vô dụng trước mọi tình huống khác”.
Thật khó có thể đào tạo nên những con người năng động sáng tạo một khi học sinh, sinh viên luôn chịu áp lực rất lớn không những từ chương trình quá tải mà còn vì nếu không muốn bị điểm kém, thì phải làm theo những bài mẫu, đáp án mẫu, phải ghi nhớ những kiến thức và lý lẽ có sẵn trong bài giảng, bất chấp có hoặc có còn phù hợp với thực tế cuộc sống và kiến thức của nhân loại hay không. Điều đó nào phải do Việt Nam nghèo, do trí tuệ dân tộc Việt Nam thấp.
Với quan điểm giáo dục lệch lạc so với thế giới hiện đại nói trên, tính năng động và năng lực tư duy sáng tạo sẽ bị thui chột dần và dễ dẫn đến việc tạo ra những con người dễ phục tùng, làm theo, nói theo, nhìn sự việc bằng con mắt của người khác, suy nghĩ và hành động bằng cái đầu của người khác, rất xa lạ với yêu cầu cuộc sống.
Thật khó có thể hình dung những con người như vậy có thể kiến tạo nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai. Sản phẩm của quan điểm giáo dục theo kiểu đó không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thời đại toàn cầu hóa mà môi trường sống và làm việc không ngừng thay đổi dưới áp lực cạnh tranh gay gắt.
Đã có bao hội thảo, bao lời tuyên bố, bao kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của những người có trách nhiệm, nhưng một triết lý giáo dục phù hợp vẫn không được xác định một cách rõ ràng. Chẳng trách qua bao năm mà chất lượng của nền giáo dục nước nhà vẫn không thoát khỏi hai từ “yếu kém”. Thêm vào đó năm 2008, UNESCO công bố chỉ số phát triển giáo dục vốn chẳng cao gì của Việt Nam lại tụt thêm 9 bậc so với năm 2004, dù đầu tư của dân, của nhà nước tăng không ngừng, cùng với những khoản vay hàng trăm triệu USD cho giáo dục từ Ngân hàng Thế giới.
Đã đến lúc phải làm một cuộc cải cách giáo dục từ gốc, thế nhưng ngoài những báo cáo về thành tích, chẳng tìm đâu ra sự thừa nhận thẳng thắn, trung thực của những người có trách nhiệm về sự thật và cội nguồn tình trạng yếu kém đó.
Môi trường cho tư duy phê phán và tư duy độc lập để phát huy nguồn lực trí tuệ
Có dịp tiếp xúc với những sinh viên năm thứ hai, thứ ba từ Mỹ và châu Âu sang nước ta thực tập, tôi nhận thấy các em ấy rất mạnh dạn, tự tin khi trình bày ý kiến của mình, hơn hẳn sinh viên năm cuối của chúng ta mặc dù các em được nhồi nhét kiến thức nhiều hơn. Sự khác biệt đó không phải chỉ xuất phát từ những khác biệt về văn hóa mà chủ yếu là từ quá trình giáo dục ngay từ những ngày học đầu tiên trên ghế nhà trường chứ không đợi đến đại học. Điều đó có thể nhận thấy rõ nếu có dịp dự khán một lớp học mẫu giáo tại các nước Âu Mỹ. Xuất phát từ quan điểm mỗi con người là một thực thể độc đáo, hệ thống giáo dục các nước phát triển ngày càng chú trọng đến việc cá nhân hóa quá trình giáo dục và đào tạo dựa theo tính cách, sở nguyện, năng khiếu và khuyến khích sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của cá nhân.
Nguyên tắc tổ chức “cấp dưới phục tùng cấp trên”, “thiểu số phục tùng đa số” cần phải được tôn trọng để đảm bảo sự vận hành của tổ chức, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần rèn luyện cho học sinh, sinh viên tư duy độc lập, vì điều gì cũng thường có mặt trái của nó. Cần rèn luyện cho các em thói quen không bao giờ mặc nhiên công nhận điều gì mà chưa có cơ sở để suy xét và luôn cảnh giác với thực tế: Không có gì là tuyệt đối, sự thật, chân lý không phải bao giờ cũng được số đông, cấp trên chấp nhận; mọi người đều có thể sai, sách cũng có thể sai; chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về đa số.
Cần rèn luyện cho các em từ nhỏ bản lĩnh để ứng xử với những trở ngại có thể có từ cộng đồng khi: Kết luận rút ra được từ suy xét của bản thân mâu thuẩn với ý kiến lãnh đạo vì dễ bị cho là sai, không trung thành; ý kiến khác biệt với suy nghĩ của đa số do dễ bị quy chụp là lập dị; khi mạnh dạn nói “điều đó tôi không biết, không thể”, dễ bị cho là kém hiểu biết, năng lực kém; thay đổi ý kiến khi phát hiện mình sai, dễ bị cho là không có lập trường kiên định…
Trong lịch sử đã có không ít quốc gia, chế độ chậm phát triển, tụt hậu, thậm chí suy sụp chỉ vì người dân, đặc biệt là viên chức trong bộ máy nhà nước không dám nói thật suy nghĩ của mình, không dám phê phán những điều không hợp lý, không dám đề xuất cái mới trái với ý của lãnh đạo. Một xã hội với số đông là những người thụ động trong tư duy và hành động là một xã hội trì trệ và việc phát huy nguồn lực trí tuệ sẽ bị kìm chế đến thãm hại, nhất là khi những người đó lại được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo. Tình trạng đó sẽ tạo nên một lực cản đáng sợ đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào.
Không có bất cứ phát minh mới nào, bất cứ chủ trương, chiến lược hợp lý nào, bất cứ giải pháp đúng đắng nào là không dựa trên cơ sở tư duy phân tích, phê phán để phủ định cái sai, cái dở, tiếp thu và phát huy cái đúng, cái hay trên tinh thần sáng tạo, từ đó tìm ra cái mới.
Để phát huy trí tuệ của dân tộc, hệ thống giáo dục phải trao cho học sinh sinh viên chìa khóa mở ra không gian tư duy độc lập,sáng tạo, khởi đầu từ kỷ năng phê phán.
Từ xa xưa nhà hiền triết cổ Hy Lạp Socrates (469 – 399B.C.) đã yêu cầu người học phải suy nghĩ, tự tìm kiếm thông tin cho mình, tìm tòi những ý tưởng mới và tranh luận trong môi trường học tập. Ông dạy bằng cách nêu câu hỏi theo các tiêu chí: sáng tỏ, độ tin cậy, sự đúng đắn, độ chính xác, hợp lý, không thiên vị. Phương pháp Socrates là cốt lõi để phát triển tư duy phê phán, để mỗi con người thật sự là chính bản thân mình.
Tư duy phê phán là nền tảng để phát triển tư duy độc lập, yếu tố không thể thiếu của sự thành đạt, khi con người thường xuyên đối diện với những vấn đề đa dạng phải giải quyết trong cuộc sống. Tư duy phê phán là bước đi thiết yếu dẫn đến tư duy sáng tạo. Phê phán khách quan giúp ta có một cái nhìn tích cực tránh cái sai, xấu, lỗi thời và hướng đến cái mới tốt hơn, hoàn hảo hơn, có ích hơn trên con đường không ngừng sáng tạo.
Tư duy phê phán vận dụng cách nghĩ và lập luận logic với các kỹ năng như phân loại, so sánh, phân tích trình tự, nguyên nhân tác động, mô hình, theo phép diễn dịch, quy nạp, loại suy, tổng hợp, dự đoán, lập giả thuyết, đánh giá, ra quyết định, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Tư duy phê phán là thuộc tính của những người thành đạt và các nhà khoa học.
Thiếu một triết lý giáo dục
Đáng tiếc là quan điểm giáo dục, cũng có thể nói là triết lý giáo dục, nặng về truyền đạt, nhồi nhét kiến thức và có phần áp đặt, theo mẫu, thiếu phát huy suy nghĩ độc lập ở nước ta hiện nay, lại trái ngược với phương pháp giáo dục rất khoa học đã có từ hơn hai thiên niên kỷ trước của Socrates. Triết gia Pháp J.J. Rousseau rất xác đáng khi cho rằng: “Nếu chỉ nhào nặn con người theo duy nhất một trạng thái thì anh ta sẽ trở nên vô dụng trước mọi tình huống khác”.
Thật khó có thể đào tạo nên những con người năng động sáng tạo một khi học sinh, sinh viên luôn chịu áp lực rất lớn không những từ chương trình quá tải mà còn vì nếu không muốn bị điểm kém, thì phải làm theo những bài mẫu, đáp án mẫu, phải ghi nhớ những kiến thức và lý lẽ có sẵn trong bài giảng, bất chấp có hoặc có còn phù hợp với thực tế cuộc sống và kiến thức của nhân loại hay không. Điều đó nào phải do Việt Nam nghèo, do trí tuệ dân tộc Việt Nam thấp.
Với quan điểm giáo dục lệch lạc so với thế giới hiện đại nói trên, tính năng động và năng lực tư duy sáng tạo sẽ bị thui chột dần và dễ dẫn đến việc tạo ra những con người dễ phục tùng, làm theo, nói theo, nhìn sự việc bằng con mắt của người khác, suy nghĩ và hành động bằng cái đầu của người khác, rất xa lạ với yêu cầu cuộc sống.
Thật khó có thể hình dung những con người như vậy có thể kiến tạo nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai. Sản phẩm của quan điểm giáo dục theo kiểu đó không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thời đại toàn cầu hóa mà môi trường sống và làm việc không ngừng thay đổi dưới áp lực cạnh tranh gay gắt.
Đã có bao hội thảo, bao lời tuyên bố, bao kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của những người có trách nhiệm, nhưng một triết lý giáo dục phù hợp vẫn không được xác định một cách rõ ràng. Chẳng trách qua bao năm mà chất lượng của nền giáo dục nước nhà vẫn không thoát khỏi hai từ “yếu kém”. Thêm vào đó năm 2008, UNESCO công bố chỉ số phát triển giáo dục vốn chẳng cao gì của Việt Nam lại tụt thêm 9 bậc so với năm 2004, dù đầu tư của dân, của nhà nước tăng không ngừng, cùng với những khoản vay hàng trăm triệu USD cho giáo dục từ Ngân hàng Thế giới.
Đã đến lúc phải làm một cuộc cải cách giáo dục từ gốc, thế nhưng ngoài những báo cáo về thành tích, chẳng tìm đâu ra sự thừa nhận thẳng thắn, trung thực của những người có trách nhiệm về sự thật và cội nguồn tình trạng yếu kém đó.
Môi trường cho tư duy phê phán và tư duy độc lập để phát huy nguồn lực trí tuệ
Có dịp tiếp xúc với những sinh viên năm thứ hai, thứ ba từ Mỹ và châu Âu sang nước ta thực tập, tôi nhận thấy các em ấy rất mạnh dạn, tự tin khi trình bày ý kiến của mình, hơn hẳn sinh viên năm cuối của chúng ta mặc dù các em được nhồi nhét kiến thức nhiều hơn. Sự khác biệt đó không phải chỉ xuất phát từ những khác biệt về văn hóa mà chủ yếu là từ quá trình giáo dục ngay từ những ngày học đầu tiên trên ghế nhà trường chứ không đợi đến đại học. Điều đó có thể nhận thấy rõ nếu có dịp dự khán một lớp học mẫu giáo tại các nước Âu Mỹ. Xuất phát từ quan điểm mỗi con người là một thực thể độc đáo, hệ thống giáo dục các nước phát triển ngày càng chú trọng đến việc cá nhân hóa quá trình giáo dục và đào tạo dựa theo tính cách, sở nguyện, năng khiếu và khuyến khích sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của cá nhân.
Nguyên tắc tổ chức “cấp dưới phục tùng cấp trên”, “thiểu số phục tùng đa số” cần phải được tôn trọng để đảm bảo sự vận hành của tổ chức, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần rèn luyện cho học sinh, sinh viên tư duy độc lập, vì điều gì cũng thường có mặt trái của nó. Cần rèn luyện cho các em thói quen không bao giờ mặc nhiên công nhận điều gì mà chưa có cơ sở để suy xét và luôn cảnh giác với thực tế: Không có gì là tuyệt đối, sự thật, chân lý không phải bao giờ cũng được số đông, cấp trên chấp nhận; mọi người đều có thể sai, sách cũng có thể sai; chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về đa số.
Cần rèn luyện cho các em từ nhỏ bản lĩnh để ứng xử với những trở ngại có thể có từ cộng đồng khi: Kết luận rút ra được từ suy xét của bản thân mâu thuẩn với ý kiến lãnh đạo vì dễ bị cho là sai, không trung thành; ý kiến khác biệt với suy nghĩ của đa số do dễ bị quy chụp là lập dị; khi mạnh dạn nói “điều đó tôi không biết, không thể”, dễ bị cho là kém hiểu biết, năng lực kém; thay đổi ý kiến khi phát hiện mình sai, dễ bị cho là không có lập trường kiên định…
Trong lịch sử đã có không ít quốc gia, chế độ chậm phát triển, tụt hậu, thậm chí suy sụp chỉ vì người dân, đặc biệt là viên chức trong bộ máy nhà nước không dám nói thật suy nghĩ của mình, không dám phê phán những điều không hợp lý, không dám đề xuất cái mới trái với ý của lãnh đạo. Một xã hội với số đông là những người thụ động trong tư duy và hành động là một xã hội trì trệ và việc phát huy nguồn lực trí tuệ sẽ bị kìm chế đến thãm hại, nhất là khi những người đó lại được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo. Tình trạng đó sẽ tạo nên một lực cản đáng sợ đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào.
Không có bất cứ phát minh mới nào, bất cứ chủ trương, chiến lược hợp lý nào, bất cứ giải pháp đúng đắng nào là không dựa trên cơ sở tư duy phân tích, phê phán để phủ định cái sai, cái dở, tiếp thu và phát huy cái đúng, cái hay trên tinh thần sáng tạo, từ đó tìm ra cái mới.
Để phát huy trí tuệ của dân tộc, hệ thống giáo dục phải trao cho học sinh sinh viên chìa khóa mở ra không gian tư duy độc lập,sáng tạo, khởi đầu từ kỷ năng phê phán.
GSTS. Trần Thượng Tuấn
(Thời báo kinh tế Saigon, số 41- 2010 / 9-10-2010)